Tuesday, November 6, 2007

Đi Tìm Xác Rơi


Đi Tìm Xác Rơi

@- Phất Phới Ngậm Ngùi Bay...

Thiếu úy Lê Văn Đạt và Trung úy Văn Ngọc Của thuộc Phi Đoàn 118 Black Cat(còn gọi là Huyền Miêu, về sau đổi thành Bắc Đẩu), thi hành phi vụ huấn luyện số 64 danh hiệu BlackCat "A" liên lạc không hành Pleiku - Nha Trang - Pleiku ngày 15 tháng 06 năm 1971. (Phi đoàn 118 thành lập khoảng đầu tháng 04 cùng năm). Hành khách quá giang là phu nhân Đại tá Bình (không nhớ họ) nguyên Tham mưu trưởng Quân Đoàn II Quân Khu II.
Chuyến bay trở về Pleiku từ Nha Trang buổi chiều cùng ngày, phi cơ mất liên lạc vô tuyến với Đài kiểm soát Nha Trang và các Đài Phi chiến Pyramid Ban Mê Thuột và Peacock Pleiku sau 15 phút cất cánh, lúc đó vào khoảng 4:50 chiều.
Ngày hôm sau, các Không Đoàn đồn trú tại QĐII và các Đơn vị diện địa lên kế hoạch tìm cứu chiếc phi cơ lâm nạn. Các Phi đoàn 118, 229 và 235 thuộc KĐ72CT Pleiku được phân chia vùng cụ thể để tìm cứu.
Căn cứ theo thời tiết, không trình Nha Trang Pleiku, thể chế bay và kinh nghiệm, chúng tôi xin nêu mấy nhận xét:
1- Trời chuyển mưa trong tiết tháng ba (Hồn Vọng Phu II). Từ tháng 03 cho đến tháng 07, là thời kỳ mưa dông, nhiều sấm sét (thunderstorm) nhất là vùng Cao nguyên Trung phần. Phi vụ do Thiếu Úy Đạt và Trung Úy Của nằm trong giai đoạn này.
2- Lộ trình giữa Nha Trang Pleiku bị dãy núi Mẹ Bồng Con kéo từ Vũng Rô chạy qua phía tây, chắn ngang khu Ninh Hòa Dục Mỹ, (1/3 lộ trình). Đèo M'Rack nằm về phía bắc bên kia dãy núi thuộc Quận lỵ Khánh Dương. Núi Mẹ Bồng Con nằm trên đèo nầy, đỉnh núi luôn luôn có mây phủ. Khu vực nầy tương đối nguy hiểm cho những hoa tiêu thiếu kinh nghiệm. Chính khu vực nầy, KQ Trần Như Nguyện bị tai nạn rớt xuống một vực sâu dưới chân núi và như một phép lạ, anh đã sống sót sau 7 ngày (?) chiến đấu với tử thần và đã được trực thăng Phi Đoàn 215 (Tr/Tá Khưu Văn Phát) thả dây vớt lên.. Chuyện hy hữu nầy đã được KQ Đào Bá Hùng viết thành câu chuyện nỗi tiếng Không Bỏ Anh Em Không Bỏ Bạn Bè.
3- Tùy theo khả năng và kinh nghiệm của phi hành đoàn, mỗi khi bay từ Pleiku về Nha Trang hay ngược lại, gặp trời xấu nhiều mây, hoa tiêu thường chọn hai cách bay, một là bay ngoại quan, nghĩa là bay sát theo con đường dẫn về phi trường liên hệ, hoặc bay ra biển rồi theo đường bay về phi trường liên hệ.
4- Cách thứ hai là bay phi cụ, nghĩa là bay xuyên mây và nhờ các phi cụ (instruments) hướng dãn về phi trường liên hệ. Cách nầy đòi hỏi khả năng chuyên môn phải thật vững vàng và độ chính xác của phi cụ phải thật hoàn hảo. Hầu hết các trang bị phi cụ trên các loại phi cơ quan sát không được đầy đủ, chỉ trang bị những phi cụ căn bản để huấn luyện hoặc để xử dụng khi hữu sư, vì thể chế bay thường xuyên dành cho loại phi cơ quan sát là ngoại quan (VFR, Visual Fligh Rule) chứ không là là phi cụ (IFR, Instrument Fligh Rule).
5- Còn cách sau cùng là thử (try). Gặp trời mây, cứ thử tống ga bay lên với hy vọng trời sẽ quang bên trên lớp mây nầy. Nhiều khi cách nầy hữu hiệu, nhiều khi càng bay lên càng mù mịt thức mây!! ( Chinh Phụ Ngâm). Khi gặp tình huống nầy thì hoa tiêu cố tìm lỗ chui xuống hoặc bay về hướng mà mình đoán rằng ở đó trời quang, hoặc bay ra biển rồi tìm đường bay về căn cứ. Và cách nầy rất dễ bị xây xẩm (vertigo), mất phương hướng, mất nhận định (control) và sẽ là nguyên nhân gây ra tai nạn. Tai nạn xẩy ra cho phi hành đoàn Black Cat “A”, cho đến nay vẫn không rõ nguyên do chính xác, nhưng căn cứ vào khả năng và kinh nghiệm của hoa tiêu (Th/Úy Đat) hãy còn giới hạn, thì suy đoán nầy dù sao cũng cần đề cập đến.

Căn cứ vào những suy luận và nhận định trên, KĐ72CT lên kế hoạch tìm cứu phi hành đoàn chiếc phi cơ U17 và phi hành đoàn mất tích, là Thiếu úy Đạt và Trung úy Của thuộc Phi Đoàn 118 Black Cat.
- PĐ 118 Quan sát phụ trách tìm cứu theo trục từ Khánh Dương Phú Bổn đến Pleiku ( theo Bắc Đẩu TVM)
- PĐ 229 Lạc Long Trực thăng phụ trách từ Phú Bổn kéo qua phía tây và tây nam Quận Phú Nhơn trong vòng 50 dặm (theo Lạc Long LVB, )
- PĐ 235 Sơn Dương phụ trách vùng An Khê, Mang Giang, Pleiku qua đến vùng Pleijerang (trại Lực Lượng Đặc Biệt Lệ Minh (theo Sơn Dương NTQH) . KQ NTQH còn ghi nhớ là Đại Tá Bình gởi mấy quân nhân người Thượng ngậm kẹo có tẩm bùa ngãi tháp tùng trực thăng để tìm cứu với hy vọng là kẹo bùa sẽ mách bảo cho hoa tiêu biết vùng lâm nạn.
Bộ Tư Lệnh Không Quân hình như cũng cắt một phi cơ C47 tham gia phi vụ nầy. Tại Nha Trang, Phi Đoàn 114 có thể cũng bay tìm cứu vùng đèo M'rack, sát chân núi Mẹ Bồng Con kéo ngang qua phía tây Phú Nhơn và phía đông Tuy Hòa. ( Sau 1, 2 tuan nhan mail cua Anh, thi tri nho kem coi cua toi nho lai hinh anh cua Anh Dat va Anh Cua xach non bay ra phi dao 114 Nhatrang vao 1 buoi chieu, truoc khi troi toi khoang 2,3 tieng dong ho, 2 Anh vua di vua cuoi noi, luc do toi dang dung truoc san PD114, (den Apr 1st 1971, toi moi doi len 118), duoc biet la 2 Anh cho D/t gi do ve Plk. Ngay hom sau vo PD thi nghe hung tin. Luc do 2PD 118 va 114 deu rao riet bay rescue den 4, 5 ngay sau, va co nho nhung don vi bo binh dong doc lo trinh NTG-PLK tim gium, nhung cung da khong co ket qua gi. Anh co the lien lac voi nhung nguoi 114 nhu cac anh Bung, Dau v.v.. de biet them tin tuc, vi phi co roi phi dao 114 roi mat tich. Vai hang kinh tham Anh va gia dinh, Kinh, NVT). Trích nguyên văn Email của Bắc Đẩu NVT ngày 12/10/03. Đề nghị các KQ thuộc Staff PĐ 114 như quý Thiếu tá LB, TN, va NVO bổ sung về vụ nầy.
Sau một tuần tìm kiếm cùng khắp các khu vực nghi ngờ chiếc Cessna U17 lâm nạn, nhưng kết quả không như ước muốn. (Ghi chú: cũng có thể khi gặp mây, bay trong mây, phi cơ cố bay ra hướng đông rồi lâm nạn trong vùng biển nầy chăng?)

Chiếu theo Văn Kiện Lập Quy của KQ, các phi cơ lâm nạn đều phải đuợc tổ chức tìm cứu liên tục trong một tuần lễ. Sau một tuần lễ tìm cứu, nếu không có kết quả thì phi vụ đó đuọc xem như mất tích và thân nhân của phi hành đoàn bất hạnh sẽ nhận Giấy Chứng Nhận Mất tích vì Công vụ.
Thiếu úy Lê văn Đạt và Trung úy Văn Ngọc Của coi như mất tích vì công vụ kể từ 24 tháng 06 năm 1971, tính đến nay dể gì cũng đã trên 32 năm.

@- Đá Mòn, Nhưng Dạ Không Mòn...

Vâng, đã 32 năm kể từ ngày đau thương đó, nhưng bà quả phụ Văn Ngọc Của vẫn còn lưu giữ dấu tích cũa người bạn đời yêu dấu, dù trải qua bao vật đổi sao dời, đó là hình ảnh của chồng và Chứng Thư Mất Tích với đầy đủ ấn ký như sau :

CHỨNG THƯ MẤT TÍCH

Trung Tá Nguyễn Văn Bá, Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật

CHỨNG NHẬN
Trung úy VĂN NGỌC CỦA, số quân 64/601.584 thuộc Không Đoàn 72 Chiến Thuật - PĐ 118

Ngày 15-06-1971, Trung úy Của đảm nhiệm phi vụ huấn luyện số 64, danh hiệu BLACK CAT "A", đã mất tích vào lúc 16 giờ cùng ngày không rỏ lý do và tọa độ. Sau những cuộc tìm kiếm từ ngày 16-06-1971 đến ngày 24-06-1971 không kết quả, đã được xem như mất tích,

Vậy nay cấp Chứng Thư nầy để bổ túc hồ sơ mất tích và cứu tế cho thân nhân Y Sĩ - Quan ./.

KBC- 7568, ngày 29 - 06 - 1971
Trung Tá Nguyễn Văn Bá
Không Đoàn Trưởng
Không Đoàn 72 Chiến Thuật
Ấn ký

@- Mỗi Sợi Tóc Rơi Vì Ý Chúa

Cuối năm 1999, anh chị KQ TVL, cựu Tr/tá phục vụ tại Bộ Tư Lệnh, Đặc trách Khu Trục, hiện ở Seatle, về thăm gia đình. Trên chuyến xe du lịch thăm Đà Lạt, anh chị TVL đã tình cờ gặp con trai Tr/úy Của, là tài xế chiếc xe bao. Qua câu chuyện mới biết, kể từ ngày nhận hung tin về người bạn đời, chị Của đã trường chay và ở vậy nuôi con, nguyện thủy chung một lòng với bóng hình xưa. Riêng cháu Văn Ngọc Châu, trưởng nam của cố KQ Của rất hãnh diện về thân phụ mình và rất hiếu đạo với Mẹ.
Gặp lại con cháu của một đồng đội xưa là một điều hi hữu. Mỗi sợi tóc rơi vì ý chúa, huống hồ là chuyện tình cờ nầy... Ghi nhận câu chuyện thương tâm của một đồng đội, khi trở về Mỹ, anh chị TVL đã thông báo tin tức và ước mong của bà quả phụ Của đến với đồng đội không quân. Ước mong đó là chị muốn được biết địa điểm của chiếc phi cơ lâm nạn, hầu chị có thể tìm lại nhúm xương của người bạn đời yêu dấu đặng cải táng hoặc thờ phượng cho thỏa lòng thương quý.
Ngay sau khi biết tin nầy, Gia Đình Bắc Đẩu đã thu thập tin tức về phi vụ bất hạnh và nhờ anh chị TVL chuyển về cho bà quả phụ Văn Ngọc Của. Gia Đình Bắc Đẩu 118 cũng tìm cách gởi chút ân tình về gia đình bà cho tròn đạo nghĩa không bỏ anh em không bỏ bạn bè.

Có thể những tin tức đã cung cấp từ năm 1999 không rõ ràng, nên 4 năm sau, bà quả phụ Của lại mội lần nữa nhắn tin nhờ đồng đội nào biết thì báo địa điểm mất tích của chồng bà. Mẩu điện thư gởi cho một số không quân và các cơ quan báo chí KQ tháng 11 năm 2003 như sau:

MinhManPham kingbeeman219@yahoo.com wrote:
Kính thua Quy vi,
Than nhan cua Tr/Uy Khong Quan VAN NGOC CUA xin quy vi nao biet hay lam on hoi dum xem ai biet tin tuc mat tich trong mot hi vu cua Tr/Uy CUA, hay biet duoc dia diem roi may bay thi bao cho gia dinh de ho di tim hai cot.
Kinh mong Quy vi giup do.
Chan thanh cam on Quy vi
MINH MAN PHAM
E-mail: kingbeeman219@yahoo.com

Một ngày sau, e-mail trên được không quân khanh219@yahoo.com.au phổ biến rộng rãi cho không quân toàn thế giới.
Chúng tôi nhận lời nhắn tin sau nầy với ít nhiều suy nghĩ về trách nhiệm của một người cùng đơn vị của cố KQ Của. Dù gì thì cố KQ Văn Ngọc Của cũng thuộc Phi Đoàn 118. Dù gì thì Gia Đình Bắc Đẩu 118 cũng đã hiện hữu ở hải ngoại tròm trèm 10 năm. Trước yêu cầu tha thiết của gia đình một đồng đội ngày xưa, thì Gia Đình Bắc Đẩu 118 nhận thấy rõ hơn ai hết trách nhiệm của mình. (Chúng tôi xin tri ân những đồng đội bạn, nếu do cơ may mà quý vị cung cấp nhiều tin tức chính xác và cụ thể về vụ mất tích cho người gia đình người quá cố thì còn gì quý bằng?).
Từ trách nhiệm của người trong cuộc đã thôi thúc chúng tôi để tâm tìm hiểu ghi nhận mọi trí nhớ hầu có thể đúc kết thành một bản tin tương đối cụ thể để giúp thỏa mãn mong ước của gia đình cố Tr/Úy Của.

@- Đập Vở Kính Ra Tìm Lấy Bóng...

Chúng tôi đã gọi điện đến những KQ có liên hệ phi vụ Black Cat "A" để hỏi han ghi nhận chút trí nhớ về phi vụ mất tích, và kết quả như sau:
- Đại tá NVB, Không Đoàn Trưởng 72 Chiến Thuật bấy giờ, là người ký Chứng Thư Mất Tích Vì Công Vụ của Trung Úy Của. Ông hiện ở San José, đã già yếu và bịnh nên không còn nhớ gì. Dù vậy, Ông đề nghị Bà quả phụ Của thử tìm đến KQ LBĐ, PĐT 530 Thái Dương rồi LĐT72TC, may ra ông LBĐ nhớ được chút gì. Ông LBĐ hiện ở Bình Thạnh, sđt 011-848-841-1705.
- Tr/Tá LĐT, Trưởng Phòng Kế Hoạch KĐ72CT, rồi Liên Đoàn Phó 72 Tác Chiến, rồi Tham Mưu Phó Hành Quân Sư Đoàn 6 KQ, là một trong những KQ tiền phong thành lập KĐ72CT, là người đặt kế hoạch và phân vùng tìm cứu phi vụ mất tích. Tr/Tá LĐT tù CS 13 năm, hiện ở San José, và Ông lấy làm tiếc không nhớ đích xác chuyện nầy.
- Tr/Tá VCM, vị Phi Đoàn Trưởng 118 tân lập, cấp chỉ huy trực tiếp Trung Úy Của trong thời kỳ bất hạnh của phi vụ Black Cat "A". KQ VCM tù CS 13 năm, hiện ở Georgia và rất tiếc Ông cũng không nhớ đích xác vụ nầy.
- Thiếu Tá NVĐ, Phi Đoàn Phó 118 tân lập, rồi Phi Đoàn Trưởng, tù CS 13 năm, hiện ở Seatle, là người có mặt ngay ngày đầu thành lập Phi Đoàn, là người từng bay nhiều phi vụ tìm cứu chiếc phi cơ lâm nạn. Rất tiếc Ông cũng không nhớ gì hơn.
- Trung Úy NVT, tù cải tạo ? năm, vượt biên và hiện nay ở Tesax. Lúc xảy ra chuyện không may thì KQ NVT đang phục vụ tại PĐ 114 Nha Trang, và sau đó mới thuyên chuyển lên Pleiku, ( xem email trên đính kèm phần trên.)
- Đại Úy TVM, tù CS 10 năm, hiện ở Lansing, Michigan, là người có mặt từ ngày đầu thành lập Phi Đoàn, là người có nhiều kinh nghiệm bay bổng và chiến trường, là người bay nhiều phi vụ tìm cứu Black Cat "A". Rất may, KQ TVM còn nhớ những điều căn bản về phi vụ bất hạnh nầy...
Phi vụ liên lạc Pleiku - Nha Trang - Pleiku. Lúc bấy giờ Pleiku trời xấu, Sĩ Quan Trực Phi Đoàn đề nghị phi hành đoàn nên ở lại Nha Trang, sáng mai trời TỐT hẵng bay về. Nhưng phi hành đoàn vẫn cất cánh bay về Pleiku, và một thời gian sau thì mất liên lạc. (KQ TVM không nhớ rõ giờ giấc, chỉ ước đoán là phi vụ mất liên lạc 15 phút sau khi cất cánh. KQ TVM còn cho biết thêm chi tiết là vợ Thiếu Úy Đạt hoa tiêu đang có bầu và cùng ở trong Cư Xá Không Quân Pleiku.)

@-Nắm Xương Vô Định...

Cách đây không lâu, có thể vào thập niên 1998, tại Việt Nam có phong trào "tìm hài cốt", do một số người có khả năng liên lạc được với cõi âm chủ trương. Chúng tôi được đọc một tài liệu nói về việc tìm ra mộ chôn anh hùng không quân Phạm Phú Quốc do nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp và nhà địa lý Doãn Phú đã tìm được địa điểm cải táng phần mộ của KQ Phạm Phú Quốc tại một Bến Xe ở Nghệ Tĩnh. Điều đặc biệt là, là ngoại cảm đã nói trước số quân của KQ PPQ, sau đó nhà sử học (cộng sản) Phạm Quế Dương vào tìm trong văn khố thì thấy quả nhiên đúng như vậy.
Hài cốt của người anh hùng KQ Phạm Phú Quốc sau đó được gia đình mang về thờ ở Chùa Phước Lâu thuộc Phố cổ Hội An tỉnh Quảng Nam.
Chính gia đình chúng tôi cũng đã nhờ quý vị có khả năng đặt biệt nầy tìm được hài cốt của phụ thân chúng tôi cách đây 4 năm. Thân phụ chúng tôi mất vào chính biến 1945 và Mẹ chúng tôi đã nhờ bà con tại địa phương chôn tạm tại một địa điểm thuộc Xã Tam Kỳ Tỉnh Quảng Nam. Suốt thời gian sau, vì vấn đề an ninh, chúng tôi không có dịp thăm viếng mồ mả, hơn nữa vật đổi sao dời nên dấu vết nấm mộ không còn. Vào năm 1998, cô em gái chúng tôi có nhờ hai vị ngoại cảm học tại Sàigòn tìm hộ, sau khi đã được mô tả rõ ràng (căn cứ theo trí nhớ của Má tôi và cũa hai ông chú về địa điểm chôn cất tạm cách đây 55 năm. Vậy mà cô em chúng tôi đã đào xới địa điểm do hướng dẫn của hai vị nầy và cuối cùng tìm thấy được hài cốt !! Mấy ông chú, mấy người em họ và nhất là cô em chúng tôi đã khóc ngất vì vui mừng khi tìm được nhúm xương ruột rà của mình sau hơn nửa thế kỷ mù mịt tăm hơi...
Lại mới đây, phi hành đoàn trưc thăng H34 mất tích tại biên giới Lào Việt từ năm 1965, đã được quân đội Mỹ tìm thấy xác 3 người, sau khi giảo nghiệm và kết luận đây là hài cốt phi hành đoàn trực thăng Việt Nam thuộc Biệt Đội 219 đã lâm nạn trong khi thi hành phi vụ đặc biệt, và hài cốt của ba vị anh hùng KQVN sau đó đã được phủ quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ và quốc táng long trọng tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington vào trung tuần tháng 06 năm 2003.

@- Hồn Tử Sỉ Gió Ù Ù Thổi...

Có thể từ những tin tức nêu trên đã khơi sáng niềm hy vọng và bà quả phụ Văn Ngọc Của đã kêu gọi đồng đội cố giúp sao cho niềm mong ước của bà sớm có cơ may thành sụ thật chăng? Chúng tôi xin chân thành chia xẻ những nỗi niềm và mong ước keo sơn trên, nhưng thật tình mà nói, chúng tôi không thể nào xác định rõ ràng địa điểm (còn gọi là tọa độ) chiếc phi cơ U17 lâm nạn nêu trên. Nếu tai nạn xảy ra sau 15 phút cất cánh, thì suy đoán vùng tìm kiếm có thể xung quanh Núi Mẹ Bồng Con và Đèo M'Rack.
Nếu vì máy móc hư hỏng hoặc vì vertigo, mất phương hướng thì không thể nào đoán nỗi vị trí lâm nạn. (Trên tàu có một nữ hành khách, khi bay trong mây có thể bà ta hốt hoảng, gây hốt hoảng dây chuyền cho phi hành đoàn và đây cũng là một nguyên nhân, nhưng vẫn không định được vị trí lâm nạn.)
Tốc độ bình phi trung bình của Cessna là 135 dặm giờ và có thể bay 6 tiếng với bình xăng đầy. Nếu hoa tiêu đã bay trong mây 45-60 phút, nghĩa là đã ở trên không phận Pleiku mà vẫn không tìm thấy phi trường Pleiku, thì phi hành đoàn có khả năng chọn một trong mấy quyết định như sau: hoặc bay ra hướng biển đề tìm cách đáp Qui Nhơn hay Phù Cát, hoặc bay về Nha Trang, hoặc bay về hướng đông để đáp Buôn Mê Thuột. Với suy đoán nầy thì vùng lâm nạn là một vòng tròn rất rộng, bao trùm Nha Trang, Ninh Hòa, Tuy Hòa, Qui Nhơn, Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột, Phú Nhơn, Phú Bổn, Nha Trang, trong đó cũng có thể kể thêm vùng biển đông.
Những ghi nhận về địa điểm chiếc phi cơ Cessna U17A thuộc PĐ118 lâm nạn ngày 15 tháng 06 năm 1971 nêu trên đều là những suy luận qua thực trạng địa hình và qua kinh nghiệm bay bổng. Cầu mong những ghi nhận trên đây sẽ giúp ích phần nào trong việc tìm kiếm hài cốt của phi hành đoàn Black Cat "A" ngày nào.

@- Cội Phúc

Gương son sắt thủy chung của bà quả phụ Văn Ngọc Của đối với người chồng vị quốc vong thân sẽ sáng mãi ngàn sau trong gia tộc. Bà cũng đã trường chay sau ngày đau thương cho đến nay thì chắc hẵn ánh đạo vàng cũng sẽ soi sáng trong tâm thức của bà về lẽ vô thường ở cõi ta bà nầy, cát bụi sẽ trở về cát bụi...
Ví dù nguyện ước trải dài trên 30 năm không thành tựu, thì đã sao đâu, chắc hẵn Bà cũng mãn nguyện phần nào, vì Bà đã buông bỏ biết bao hệ lụy đời thường mà lòng can trường son sắt đó chẳng lẽ không đưa Bà đến cận kề Cội Phúc và Giải Thoát hay sao?
Chúng tôi cầu mong sao, do tấm lòng chân thành trên một phần tư thế kỷ và do anh linh của người quá cố, hoặc do cơ duyên đưa đẩy, hoặc do một phép nhiệm màu khả dĩ giúp bà quả phụ Văn Ngọc Của sớm gặp được bậc thánh nhân hoặc những quý nhân (như các nhà ngoại cảm và địa lý nêu trên), thì xác xuất của niềm hy vọng dù thấp cách mấy vẫn là...hy vọng!.

Xin cám ơn Quý Chiến Hữu đã tiếp tay,
Xin thành kính nguyện cầu cho Hy Vọng Son Sắt của Bà quả phụ Văn Ngọc Của,
Và xin cầu chúc Bà các cháu và Bửu Quyến Thân Tâm An Lạc
Bắc Đẩu võ ý

No comments: